Đặt xắc du lịch xuống dưới chân, rút từ áo khoác ra vé tầu đưa cho nhân viên hỏa xa, ra quầy bán báo mua mấy số báo, buổi chiều, ra khỏi ga và gọi taxi. Trong năm năm, không ngày nào tôi không phải rời khỏi một nơi nào đó để đến một nơi khác, buổi sáng trèo lên, bước xuống các bậc thang, để rồi lại bước xuống, trèo lên những bậc thang khác vào buổi chiều, sau đó gọi taxi, tìm tiền trong túi áo trả cho người lái xe, mua những số báo buổi chiều ở một quầy bán báo và trong thâm tâm tận hưởng cái vẻ uể oải máy móc bề ngoài đã được nghiên cứu một cách uyên bác. Từ khi Marie bỏ tôi ra đi với tên Cơ Đốc giáo Zỹpfner kia, cái quá trình ấy còn trở nên máy móc hơn, nhưng không vì thế mà mất đi nguyên tắc uể oải của nó. Căn cứ vào đồng hồ xe taxi tôi biết được khoảng cách từ nhà ga đến khách sạn hoặc từ khách sạn đến nhà ga: khách sạn ở cách nhà ga hai, ba hoặc bốn mác rưỡi. Từ khi Marie bỏ tôi, tôi đâm ra mụ mẫm, lẫn lộn nhà ga và khách sạn, luống cuống tìm vé tầu đưa cho người gác cửa khách sạn hoặc hỏi nhân viên nhà ga số buồng của tôi ở khách sạn. Nhưng một cái gì đó, có thể gọi là định mệnh vẫn nhắc tôi nhớ đến nghề nghiệp và vị trí của tôi. Tôi là diễn viên hài. Nghề nghiệp được khai: "Nghệ sĩ hài". Tôi không thần phục một nhà thờ nào, tuổi hai mươi bảy, và một trong những tiết mục xiếc của tôi có tiêu đề: Trở về và ra đi, tiết mục kịch câm dài, gần như quá dài đến nỗi cuối cùng khán giả đâm ra lẫn lộn không còn biết đâu là lúc tôi trở về và đâu là lúc tôi ra đi. Vì tôi thường luyện lại vai lần cuối cùng khi đi tầu (nó gồm sáu trăm vai mà thuật biên đạo múa hẳn là tôi phải nắm rất chắc), cho nên không có gì là lạ nếu lúc nào đó tôi trở thành nạn nhân của chính việc nặn óc của tôi, để rồi lao vào một khách sạn, giương mắt tìm xem giờ tàu, ghi nhớ nó, rồi vội vã trèo lên hoặc bước xuống thang gác cho khỏi lỡ tàu, trong khi đúng ra tôi chỉ có việc bình thản trở về phòng mình và chuẩn bị cho buổi diễn.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét