(Dân Việt) - Chưa bao giờ, ở huyện vùng cao biên giới Sông Mã (Sơn La) phong trào làm giàu, thúc đẩy kinh tế trang trại lại phát triển mạnh mẽ như những năm gần đây, khi mô hình "nuôi thả ba ba núi" xuất hiện.
Trong ngôi nhà khang trang mới khánh thành, ông Bùi Văn Hạnh (tổ 4 thị trấn Sông Mã) khoe với chúng tôi: Ngôi nhà xây hơn 500 triệu đồng này là tiền ông vừa thu một lứa ba ba.
Ông Hạnh kiểm tra chất lượng ba ba. |
Những đại gia ba ba
Ông Hạnh kể: "Năm 2004, nghe đài, báo nói nuôi con gì cho phù hợp với điều kiện từng địa phương, tôi nuôi lợn, lợi nhuận cũng có nhưng chỉ đủ ăn. Sau, thấy một vài người ở địa phương nuôi ba ba cho hiệu quả cao hơn rất nhiều, tôi chuyển hẳn sang nuôi ba ba".
Ôn Hạnh bảo, thời điểm đó, cầm cố hết nhà cửa đất đai, vợ chồng ông đào ao thả ba ba. Và cũng hiếm người như ông Hạnh ở thị trấn Sông Mã, bỏ hàng trăm triệu đồng ra để rồi sau 2 năm, vợ chồng ông đứng trước nguy cơ phá sản. Tính toán ra năm đó ông Hạnh mất tỷ bạc. Thất bại là vì ông để nguồn nước bị ô nhiễm, thức ăn xô bồ, không chọn lọc. Bán nốt ngôi nhà ba tầng mặt đường ở thị trấn, ông dồn tiền cho lứa giống mới. Rút kinh nghiệm lần trước, học hỏi thêm bạn bè, một năm sau ông thu về 2 tỷ đồng và quan trọng hơn, hướng làm ăn mới đã được ông xác lập.
Theo chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi đến trang trại ba ba của ông Bùi Huy Ngọc - Chi hội trưởng Hội nuôi ba ba Sông Mã. Nhà ông Ngọc ở bản Nà Hịu, xã Nã Nghịu cách thị trấn vài cây số đường đồi.
Dẫn chúng tôi ra hồ ba ba của mình, ông Ngọc cho biết: "6.000m2 mặt hồ này, tôi thả 600 con ba ba giống, còn ba ba thương phẩm, bán lấy thịt, tôi chưa thống kê nhưng cũng phải vài nghìn con. Tôi vừa bán ba ba giống vừa bán ba ba thương phẩm. Ba ba giống mới đẻ, to bằng quả mận giá tới 300.000 đồng/con; còn ba ba thịt thì 800.000 đồng/kg". Ông Ngọc bảo, năm 2010, ông thu về 1,5 tỷ đồng. Còn năm 2009, do đầu tư mở rộng diện tích ao và loại ba ba đẻ, ông chỉ thu về có 1 tỷ đồng. Theo dự tính của ông, bắt đầu năm 2012, gia đình ông sẽ thu đều đặn 4 tỷ đồng/năm.
Ba ba bằng 200 tấn thóc
Theo lời ông Ngọc, phong trào nuôi ba ba có ở huyện vùng cao này từ năm 1990 và phát triển mạnh mấy năm gần đây. Chi hội ông có 31 người, nhưng số lượng người nuôi đơn lẻ, không vào chi hội rất nhiều. Bản thân ông cũng không thể biết hết được vì các hộ nuôi mới phát triển từng ngày.
“Theo thống kê của bản Nà Hịu, năm 2011, cả bản thu được 100 tấn thóc. Trong khi đó riêng tiền thu từ ba ba của tôi quy ra thóc đã được 200 tấn”.
Ông Bùi Huy Ngọc
Ba ba Sông Mã rất khác với loại ba ba trơn dưới xuôi. Đây là ba ba núi (còn gọi là ba ba gai) có nhiều ở 2 huyện Sốp Cộp và Sông Mã của Sơn La. Ba ba gai có kích thước và trọng lượng rất lớn. Bản thân ông Ngọc đã từng nuôi một con nặng tới 46kg. Thông thường, ba ba gai xuất bán trọng lượng từ 5 - 10kg.
Theo ông Ngọc, ba ba gai Sông Mã bán rất chạy, giá rất cao. Chỉ cần gọi điện hôm trước, hôm sau có xe ở dưới xuôi lên thu mua từ trứng, ba ba con, ba ba thịt đến ba ba đẻ. Nhiều gia đình đầu tư lớn nuôi thả ba ba gai. “Theo thống kê của bản Nà Hịu, năm 2011, cả bản thu được 100 tấn thóc. Trong khi đó riêng tiền thu từ ba ba của tôi quy ra thóc đã được 200 tấn”- ông Ngọc nói.
Trang Lê
0 nhận xét:
Đăng nhận xét